Khoa chăn nuôi thú y Trường Đại học (ĐH) Nông Lâm TP.HCM vừa tổ chức lễ tốt nghiệp và trao bằng bác sĩ thú y (chương trình tiên tiến) cho 29 tân khoa. Đáng chú ý, trong đó, sau gần sáu năm, từ khi đậu đại học với danh hiệu thủ khoa của trường, Trần Trọng Kha tiếp tục ghi danh vào bảng vàng ở vị trí thủ khoa trong ngày tốt nghiệp của mình ở ngành thú y. Quyết tâm chọn thú y vì yêu động vật

Năm 2014, cái tên Trần Trọng Kha đã được nhiều người biết đến khi em là một học sinh đến từ tỉnh Tiền Giang nhưng đã trở thành thủ khoa của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM với 27 điểm ở khối A (toán 9, lý 8,75 và hóa 9,25).

 

Trần Trọng Kha trong ngày tốt nghiệp vừa qua

Được biết, 12 năm học phổ thông Kha đều là học sinh giỏi. Năm lớp 9, em đạt học sinh giỏi môn toán cấp tỉnh. Năm học lớp 12, Kha đạt điểm trung bình tổng kết cuối năm 9,1. 

Kha cho biết bố em mất sớm, chỉ mình mẹ em lo làm lụng để nuôi các chị em em ăn học. Mẹ em hiện làm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

Em chọn ngành thú y theo tư vấn của gia đình, nhất là tư vấn của mẹ vì mẹ em cũng làm trong lĩnh vực gần với động vật. Bản thân em cũng rất thích động vật, em muốn trở thành một bác sĩ thú y để chăm sóc, chữa bệnh cho các con vật. 

Hơn nữa, khi tìm hiểu các ngành nghề, em thấy ngành thú y ở các nước phát triển rất được ưa chuộng. Ở Việt Nam lúc đó cũng bắt đầu ra đời những bệnh viện thú y nên càng giúp em tự tin đăng ký vào ngành này.

Về bí quyết học tập, Trọng Kha chia sẻ em học trường chuyên nên có điều kiện học tốt hơn. Khi còn học phổ thông, em chỉ học để quyết tâm đậu đại học là chính.

“Ở lớp, em luôn tập trung để tiếp thu bài chắc chắn, về nhà không phải học lại nhiều. Về nhà, em có thời gian học nâng cao, học nhóm với bạn bè và đọc trước các bài mới. Em học là để hiểu và không quá áp lực để học bằng được nên cũng thoải mái” - Kha nói.

Khi vào năm nhất ĐH, dù tiếng Anh yếu nhưng Kha quyết định chọn học chương trình tiên tiến với học phí cao gấp đôi so với hệ đại trà, tức khoảng 30 triệu đồng/năm học. Nhưng Kha vẫn chọn vì muốn nâng cao trình độ tiếng Anh, có điều kiện để học và nghiên cứu tốt hơn.

Theo Kha, khi đó về tiếng Anh, em chỉ nắm tốt kiến thức căn bản nhưng kém về nghe và nói. Vì thế, Kha học năm nhất khá vất vả do phải “chạy” theo tiếng Anh để đáp ứng điều kiện đầu vào của chương trình đào tạo.

“Em phải học rất nhiều, nhiều khi bị ngợp. Một số bạn theo không nổi phải xin chuyển chương trình. Em nghĩ học ngành gì cũng cần có tiếng Anh để chủ động tìm tòi các nguồn tài liệu hơn, nếu không sẽ luôn chậm hơn người khác, chờ người khác dịch lại đã là bị chậm lắm rồi” - Kha tự nhủ.

Kha cho hay nhờ có tiếng Anh mà trong quá trình học, em được đi hội thảo ở nước ngoài rất nhiều, tìm hiểu tài liệu trên mạng dễ dàng hơn… Từ đó, khi em học kiến thức chuyên ngành cũng sẽ không quá khó.

Không làm thêm, giành thời gian “săn” học bổng

Nói về phương pháp học ĐH và cách duy trì danh hiệu thủ khoa sau một khóa học ĐH, Kha cho biết học ngành thú y chương trình tiên tiến rất nặng, cả về chuyên ngành lẫn tiếng Anh. Nhiều chuyên môn khô khan, phải học rất nhiều như đi sâu về miễn dịch, bào chế thuốc… rất khó, thậm chí không hiểu.

Do đó, hầu như em tập trung toàn bộ thời gian cho việc học chuyên ngành, tiếng Anh và làm thực tập sinh tại phòng lab để có nhiều kinh nghiệm và học hỏi được nhiều hơn. Thời gian khác em tham gia các hoạt động ngoại khóa của trường, của khoa để có thêm năng lượng học tập.

Theo em, một phần vì chương trình nặng cả chuyên môn lẫn tiếng Anh nên em xác định không đi làm thêm. 

“Không nhất thiết phải đi làm thêm bên ngoài mới học hỏi và có thu nhập, cũng không phải cứ vùi đầu vào sách vở là sẽ học giỏi. Em không đi làm nhưng em vẫn kiếm ra tiền bằng các suất học bổng mỗi năm nhờ kết quả học tập cao. Em được đi nước ngoài học, học hỏi chuyên môn sâu hơn để nâng cao kiến thức lẫn tiếng Anh” - Kha chia sẻ. 

Đặc biệt hơn, sau khi làm báo cáo tốt nghiệp, em đã ứng tuyển và được nhận làm tại một công ty bào chế thuốc thú y. Nhờ có tiếng Anh khá tốt nên lương khởi điểm của em là 10 triệu đồng/tháng. 

Ngoài ra, Trọng Kha cho rằng quan trọng là em học được ngành mình thích, mình có sự chuẩn bị và tìm hiểu trước về ngành mình chọn thì sẽ theo học dễ dàng hơn. 

“Học nặng hay nhẹ là do chính bản thân mình. Học không nghiêm túc, xem nhẹ tiếng Anh hoặc chuyên môn là dễ bị nản, không theo nổi. Hơn nữa, học ĐH mà học một mình là không học được. Nếu một mình ôm sách thì cũng chỉ dừng lại ở đó, không thể mở rộng kiến thức và rèn luyện kỹ năng cho mình được. Chính bạn bè, thầy cô, học nhóm… là những người sẽ hỗ trợ tốt nhất khi em gặp khó khăn” - Kha đúc kết.

Bên cạnh đó, theo Kha, việc học phải có mục tiêu, kiên trì và phương pháp học. Chính bản thân phải biết học để làm gì thì học sẽ thoải mái hơn. Kiên trì và có phương pháp sẽ giúp em vượt qua những khó khăn. 

Hiện nay Trọng Kha vừa đi làm hằng ngày tại công ty và dành thời gian cuối tuần học cao học tại trường

 

 

Số lần xem trang: 2142
Nhập ngày: 23-11-2020
Điều chỉnh lần cuối: 23-11-2020

Nhân vật

PGS-TS Chế Minh Tùng và trại gà nuôi bằng thảo dược (17-11-2020)